Đội TNTP Hồ Chí Minh
Liên đội Đoàn Lập
BÀI TUYÊN TRUYỀN MĂNG NON
Phát thanh vào tiết Chào cờ thứ 2 ngày 03/10/2022
Chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam xanh
Kính thưa các thầy cô giáo!
Các bạn thân mến!
Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn. Vì vậy hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay hôm nay và ngay bây giờ.
Thảm họa “ô nhiễm trắng”
Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ.Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Cùng với đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Không chỉ vậy, thế giới cũng đang phải đối mặt với khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn từ lục địa đổ vào các đại dương mỗi năm. Còn theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.
Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Vậy chúng ta cần làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa?
Sau đây là 1 số biện pháp rất đơn giản.
1. Thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa
Sử dụng ống hút có những tiện lợi nhất định, nhưng lại tạo ra một lượng rác thải không nhỏ. Một trong những cách đơn giản nhất để giảm thiểu việc xả rác thải nhựa ra ngoài bãi rác là nói không với ống hút nhựa. Thay vì sử dụng ống hút nhựa, bạn có thể chọn dùng loại ống hút làm từ thép không gỉ hoặc ống hút làm từ tre dùng nhiều lần.
Cách này khá đơn giản. Bạn chỉ cần nói với người bán hàng hoặc nhân viên phục vụ rằng bạn không cần dùng tới ống hút nhựa. Và nếu bạn mang theo ống hút riêng của mình thì chắc chắn nhà hàng sẽ thôi phục vụ ống hút nhựa cho bạn. Hãy yên tâm rằng chỉ cần bảo quản và vệ sinh đúng cách, những chiếc ống hút tái sử dụng có thể dùng lại nhiều lần mà không lo các vấn đề như nấm mốc, vi khuẩn.
2. Hạn chế kẹo cao su
Theo truyền thống, kẹo cao su được làm từ nhựa cây chicle, một loại cao su tự nhiên. Nhưng khi các nhà khoa học tạo ra cao su tổng hợp thì nhiều nhà sản xuất bắt đầu dùng nó để thay thế cao su thiên nhiên trong hầu hết các loại kẹo cao su vì tính kinh tế của nó. Bởi vậy, khi ăn kẹo cao su, bạn không chỉ bạn đang nhai nhựa, mà còn có thể nhai nhựa độc hại vì nó được sản xuất từ vinyl axetat – một chất hóa học được cho là gây ra các khối u trên những con chuột dùng làm thí nghiệm, chưa kể nguy cơ liên quan đến răng miệng nếu bạn nhai những loại kẹo cao su kém chất lượng.
3. Mua đồ có bao bì hộp giấy thay vì chai/hộp nhựa
Khi mua bột giặt hay chất tẩy khác, hãy lựa chọn sản phẩm cùng loại nhưng được đóng trong hộp giấy thay vì chai nhựa (nếu có). Các-tông có thể dễ dàng tái chế và chế tạo thành nhiều sản phẩm hơn là nhựa.
4. Mua số lượng lớn
Khi mua những loại thực phẩm và lương thực như gạo, mì ống, đậu, các loại hạt, ngũ cốc… nếu bạn lựa chọn mua với số lượng lớn đầy ắp túi đựng hoặc đồ chứa có thể tái sử dụng sẽ giúp tiết kiệm cả tiền bạc và bao bì.
5. Dùng lọ thủy tinh có thể tái sử dụng
Bạn có thể mua nhiều loại thực phẩm được dựng trong bình/lọ thủy tinh thay vì bằng nhựa, kể cả nước sốt spaghetti, bơ đậu phộng, sốt salsa và táo,… Thay vì dùng túi nhựa để đựng mang về nhà rồi bỏ chúng đi, hãy sử dụng các lọ để đựng thực phẩm hoặc mang theo chúng khi bạn mua thực phẩm được bán với số lượng lớn. Nếu bạn có đồ đựng bằng nhựa khi mua một số sản phẩm khác, nếu còn lành lặn thì đừng vứt chúng đi, hãy rửa sạch và sử dụng chúng để lưu trữ thực phẩm.
6. Dùng chai lọ hay đồ dùng như đũa, muỗng, nĩa có thể tái sử dụng
Nước uống đóng chai thải ra 1,5 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, và các chai này cần 47 triệu galông dầu để sản xuất, theo Food & Water Watch. Bởi vậy, nếu bơm đầy nước vào một cái chai có thể tái sử dụng, bạn sẽ giúp số chai nhựa này chưa phải sớm kết thúc vòng đời ở các bãi chôn lấp rác hay lênh đênh ngoài đại dương.
Một cách nữa là bạn có thể mang theo một chiếc ly tái sử dụng đến quán cà phê và nói nhân viên bán hàng rót cà phê vào chiếc cốc riêng của bạn và mang chúng đến bàn làm việc thay vì sử dụng cốc nhựa hoặc cốc giấy dùng một lần. Theo thống kê, chỉ tính riêng nhân viên văn phòng của Mỹ sử dụng trung bình khoảng 500 chiếc ly dùng một lần mỗi năm.
Tương tự, bạn hãy cân nhắc giảm thiểu hoặc thôi dùng bộ đồ ăn như đũa, dao, muỗng, nĩa,… dùng một lần. Chỉ cần thay đổi thói quen sử dụng ly, bạn đã giúp hạn chế rất nhiều chất thải không cần thiết.
7. Mang theo đồ đựng của riêng bạn nếu có thể
Cho dù bạn mua đồ ăn để mang về hoặc gói đồ ăn còn thừa ở nhà hàng sau khi dùng bữa, nhớ mang theo các đồ đựng có thể tái sử dụng của riêng bạn. Khi gọi đồ mang về, hãy thông báo với nhà hàng rằng bạn có thể lấy thức ăn được đặt trong đồ đựng của riêng bạn. Hầu hết các nhà hàng sẽ chấp nhận yêu cầu đó.
8. Dùng diêm
Nếu bạn cần thắp nến, thắp lửa trại hoặc đốt một đống lửa,… hãy lựa chọn những que diêm thay vì chiếc bật lửa dùng một lần. Những thiết bị nhựa giá rẻ có thể ở yên trong bãi rác trong nhiều năm và thậm chí chúng đã được tìm thấy trong dạ dày của những chú chim chết. Nếu bạn đã quen với sử dụng bật lửa, hãy lựa chọn loại bật lửa làm bằng kim loại có thể có thể bơm nhiên liệu để tái sử dụng nhiều lần.
9. Hạn chế tích trữ bằng cách đông lạnh thực phẩm
Thực tế là tích trữ thực phẩm ở ngăn đá của tủ lạnh hay tủ đông sẽ mang đến sự tiện lợi cho chúng ta, nhưng nó cần sử dụng đến nhiều bao bì nhựa để bọc thực phẩm. Thay đổi thói quen thực phẩm đông lạnh có thể rất khó khăn, nhưng bạn hãy cân nhắc vì ngoài lợi ích về môi trường mà nó mang thì còn có những lợi ích khác nhìn thấy rõ ràng – đó là bạn sẽ ăn ít thực phẩm chế biến sẵn hơn và tránh được các hóa chất trong bao bì nhựa của chúng.
10. Trả lại đồ đựng hàng hóa có thể tái sử dụng
Nếu bạn đang sẵn có hộp nhựa để đựng trái cây, khi đi mua trái cây hoặc cà chua ở chợ, có thể mang chúng theo để đựng. Còn nếu bạn không cần sử dụng đến những chiếc hộp mà người bán đã đóng gói sẵn, bạn thậm chí có thể yêu cầu người bán nhận lại những chiếc hộp đó để họ có thể tái sử dụng chúng.
11. Sử dụng tã vải
Không thể phủ nhận sự tiện dụng của bỉm/tã giấy. Tuy nhiên, mỗi năm, lượng rác thải từ tã bỉm của trẻ nhỏ khá khổng lồ. Theo EPA, ở Mỹ, mỗi năm người dân thải ra 7,6 tỷ bảng tã lót dùng một lần. Thêm vào đó, phải mất khoảng 80.000 cân nhựa và hơn 200.000 cây/năm để sản xuất tã lót dùng một lần cho trẻ em ở Mỹ. Bằng cách đơn giản chuyển sang tã vải, bạn sẽ không chỉ làm giảm lượng rác thải từ đồ dùng của bé, mà bạn cũng sẽ tiết kiệm kha khá tiền bạc.
12. Tự ép và vắt nước trái cây
Thay vì mua nước trái cây đã đóng sẵn trong chai nhựa, hãy tự ép nước trái cây hoặc ăn trái cây tươi. Cách làm này không chỉ làm giảm thiểu chất thải nhựa, mà nó cũng tốt hơn cho bạn bởi vì bạn sẽ nhận được nhiều vitamin và chất chống oxy hoá hơn.
13. Dùng chất tẩy rửa tự chế bằng nguyên liệu xanh-sạch
Không cần nhiều chai lọ chưa chất tẩy, vệ sinh hóa học để làm sạch cửa sổ, sàn nhà,… nếu bạn có một số nguyên liệu trong tay như soda baking và dấm. Vì vậy, bạn sẽ tiết kiệm được một khoảng không gian, tiết kiệm một ít tiền, và tránh những chất độc hại bằng cách làm ra sản phẩm làm sạch của riêng mình.
14. Chuẩn bị đồ ăn đúng cách
Nếu hộp đựng đồ ăn trưa của bạn chứa đầy túi nhựa dùng một lần thì đây là lúc để thay đổi. Thay vì đóng gói đồ ăn nhẹ và bánh mì trong túi, đặt chúng trong hộp đựng có thể sử dụng lại được ở nhà hoặc thử các đồ ăn trưa như túi ăn vặt có thể tái sử dụng. Bạn cũng có thể lựa chọn trái cây tươi thay vì tách trái cây phục vụ một lần và mua các mặt hàng như sữa chua và bánh pudding với số lượng lớn, chia nhỏ chúng và lấy một phần để vào hộp đựng đồ ăn trưa của bạn
15. Phân loại rác thải hàng ngày: Hãy làm tốt việc phân loại rác hằng ngày nhé.
Hãy nói không với việc sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, chai nhựa... để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta các bạn nhé.