TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐOÀN LẬP GIÁO DỤC HỌC SINH
PHÂN LOẠI RÁC THẢI
Môi trường là một phần thiết yếu của cuộc sống con người nên nó có vai trò vô cùng quan trọng. Thế nhưng hiện nay, môi trường - không gian sống của chúng ta đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề mà nguyên nhân chính là do ý thức và hành động của con người gây ra. Vì vậy giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường là một việc làm cấp bách hiện nay. Một trong những việc làm góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường là phân loại rác thải . Nhận thức rõ được vấn đề cấp bách trên nên nhà trường Tiểu học Đoàn lập đã thường xuyên giáo dục học sinh phân loại rác thải thông qua việc tuyên truyền Về tác hại của rác thải không hợp vệ sinh và các biện pháp thu gom xử lí rác thải đúng cách cụ thể như sau:
I- TÁC HẠI CỦA VIỆC SỬ LÝ RÁC KHÔNG HỢP VỆ SINH.
Đối với các loại rác thải phát sinh trong đời sống hàng ngày, người dân ở các vùng nông thôn thường có thói quen loại bỏ bằng cách đốt hoặc đổ rác bừa bãi ngoài lề đường, ao, hồ, bờ đồng, thu gom còn bỏ lẫn lộn, chưa biết cách phân loại rác thải. Đây thực sự là mối đe dọa lớn đối với sức khoẻ cộng đồng.Việc thải bỏ và xử lý rác không đúng cách, không hợp vệ sinh sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan công cộng và tác ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, sinh vật và chất lượng môi trường, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lí rác thải tập trung.
1. Tác hại của việc đốt rác thải không có sự phân loại
- Thói quen của người dân nông thôn là đổ đống và đốt rác thải ngay tại gia đình, đốt tất cả rác thải kể cả các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao su, túi nilon….Khi đốt thủ công (nhiệt độ thấp), các vật liệu này cháy không triệt để sẽ sinh ra các khí độc như: Oxit cácbon, Hydrocacbon dễ bay hơi kể cả benzen, dioxin, furin là những chất rất độc hại bay trên không trung làm ô nhiễm bầu không khí.
- Đốt rác theo phương pháp thủ công không có sự phân loại trong khu dân cư, các chất độc hại phát sinh sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, gây khó thở, viêm đường hô hấp,...
Chính vì vậy việc thu gom sử lý rác thải tập trung là rất cần thiết.
2. Tác hại của việc đổ rác thải bừa bãi
- Thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, bờ sông, ao hồ, đồng ruộng.... ở các vùng nông thôn, việc này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người,...chẳng hạn như:
+ Khí thải sinh ra từ các đống rác sẽ làm ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi, ảnh hưởng sức khỏe con người.
+ Nước rỉ rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, các chất độc hại trong nước tích lũy trong thực phẩm như: rau, tôm, cá... sẽ rất nguy hiểm nếu ta ăn phải các chất loại thực phẩm này.
+ Tạo nơi trú ngụ và phát triển lý tưởng của các loài gây bệnh hại cho người và gia súc.
Chính vì vậy người dân cần có ý thức xóa bỏ thói quen đổ rác thải bừa bãi ra môi trường.
II- PHÂN LOẠI, THU GOM VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT
1. Phân loại rác tại nguồn
3.1. Phương pháp phân loại rác tại nguồn
Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Cách nhận biết như sau:
- Rác hữu cơ dễ phân hủy: là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết...), vỏ trái cây,....
- Rác vô cơ là rác khó phân hủy. Được chia thành chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng,...), các loại nhựa.... Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.
3.2. Vì sao phải phân loại rác tại nguồn
- Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến;
- Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm;
- Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường;
- Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
2. Phương pháp thu gom rác
- Thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy: Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost (tại gia đình hoặc đưa đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân compost).
- Thu gom rác khó phân hủy
+ Thu gom rác tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế.
+ Thu gom rác không tái chế: Các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyển đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.
Dụng cụ chứa rác là các thùng rác chuyên dùng hoặc tận dụng các vật dụng có sẵn ở gia đình như thúng, sọt, bao tải, túi nilon,....
Vậy mỗi học sinh cần có ý thức phân loại rác thải ngay tại gia đình và trường học đồng thời tuyên truyền để mọi người dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.